Bất Bạo Động Đồng Nghĩa Với Độc Tài Cộng Sản Muôn Năm! Người Việt Phải Hành Động Để Tự Cứu Mình! Đừng Trông Chờ Bất Kỳ Ai. Blog hoạt động từ ngày 28 tháng 2 năm 2.012

Sức Khỏe & Căn Bịnh Nan Y Việt Nam & Bịnh Việt





Người Việt chúng ta vóc dáng nhỏ bé, siêng năng, chịu khó, và thông minh, tuy nhiên cũng lắm gian xảo, quỷ quyệt, phe đảng và thiếu đoàn kết.




                Mục Sức Khỏe trong blog chúng tôi không những nói đến phương diện thể chất như tập thể dục, ăn uống vệ sinh, bổ dưỡng, gìn giữ môi trường trong lành…để bảo vệ sức khỏe và giúp cải tiến vóc hình cho cao lớn khỏe mạnh nhưng còn muốn nói đến phương diện tinh thần, tức là sức mạnh sinh ra từ truyền thống dân tộc, từ sức mạnh của văn hóa dân tộc, từ sự tự tôi luyện của từng cá nhân ở mọi thành phần dẫn đến sự tôi luyện, học tập của một xã hội.

               Điều này là nguyên nhân làm chấn hưng sự hùng cường mà đất nước Việt Nam mong mỏi từ lâu nhưng đến ngày nay vẫn thua kém đồng bang chỉ vì tư tưởng chúng ta yếu kém, bịnh hoạn như gian trá, không trung thực, ăn cắp của công, phe đảng và thiếu đoàn kết…

              Tất nhiên phải cần thời gian dài không biết mấy thế hệ nữa mới chữa trị hết bịnh, và các liều thuốc hôm nay được trình bày trong mục này dù đắng cay với sự thành tâm, trung thực nhưng còn hơn phải đau bịnh triền miên và lụn bại.

              Một hình ảnh giống như chuyện tức cười khi người đứng đầu nhà nước chỉ cao tới…1,62 mét, đứng ôm một tổng thống người Nam Mỹ cao 1,9 m trong buổi gặp mặt cấp quốc gia với lễ nghi đình đám, đầy đủ quan lớn, khách nước ngoài, ống kính truyền hình. Trông cảnh này, người không có óc tưởng tượng phong phú cũng có thể liên tưởng đến chuyện một thằng bé đứng nhón hai gót chân chồm lên ôm vồ ngực mẹ đòi bú. Hai người đồng cấp nhưng không đồng kích thước. Hình ảnh đó còn cho thấy sự khác biệt về phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia, ngoài khác biệt về chủng tộc.

              Người Việt nhỏ con, lanh lẹ, ngoài yếu tố di truyền chủng tộc, nhưng cũng còn phải kể đến nguyên nhân chính là dinh dưỡng trong đời sống hàng ngày, từ thế hệ này đến thế hệ kế tiếp. Có thể đưa ra trường hợp như sau: Hai đứa bé Việt Nam sống trong hai gia đình riêng biệt, có hoàn cảnh khác nhau, một gia đình sống tại Mỹ, một gia đình sống ở Việt Nam, tất nhiên đứa bé ở Mỹ lớn con hơn, da thịt hồng hào, trí não cũng có điều kiện hoạt động tốt hơn, do vì được nuôi dưỡng trong môi trường ổn định, trong đó thực phẩm phong phú bổ dưỡng là yếu tố quan trọng.

             Xin đưa ra một trường hợp nữa: một đội banh quốc gia với hình dạng và thể lực nhỏ con hơn đối thủ thì khó giành phần thắng. Mới đấu hết hiệp một đã gần hết sức, chạy trong hiệp 2 thì muốn lè lưỡi hết, chạy hết nổi thì cứ đứng chờ banh tới mới đá, dù kỹ thuật đi banh có tốt nhưng vóc dáng nhỏ yếu không thể tranh banh với đối thủ. Đây chỉ là xét trong khu vực, nếu nhìn rộng ra châu Á, cầu thủ Việt còn lùn và ốm hơn khi so sánh với cầu thủ ba tàu, Nhật, Hàn Quốc. Như vậy khi nào Việt Nam mới lọt vào cúp thế giới để tranh đua với thiên hạ bốn bể năm châu? Chắc phải hơn 100 năm nữa!!!

              Về thể chất, ăn uống vệ sinh, bổ dưỡng, thực phẩm đa dạng là các điều kiện cần thiết để giúp cho cơ thể con người tăng trưởng cân đối, khỏe mạnh. Muốn có được điều này, đời sống phải sung túc và xã hội cũng tiến điều. Nếu chỉ một số thành phần có ăn, có mặc thì không thể làm cho cả xã hội cùng thịnh vượng.

             Tóm lại để hình dáng con người Việt Nam tăng tiến về chiều cao và trọng lượng thì đất nước phải ở trong tình trạng phú cường, nhà nhà có ăn, người người không đói rách. Chừng nào đất nước mới hết cảnh người nghèo, đói ăn để mỗi người Việt Nam đứng ngang tầm với lân bang và thế giới? 150 năm trước đây, Việt Nam đói nghèo nên mới bị ngoại bang xâm chiếm, đè đầu, cởi cổ. 150 năm sau, người Việt cũng không xóa được chữ đói nghèo trong đời sống thường nhật. 

             Ngoài vấn đề thua thiệt về thể chất, người Việt chúng ta còn yếu kém về tư tưởng, tinh thần, những yếu kém này làm cho người Việt mang chứng bịnh lâu năm, gần như không có thuốc chữa trị. Và chính nhưng căn bịnh tinh thần này đã làm cho thể chất người Việt không phát triển. Do vì nó kềm hãm động lực phát triển của toàn thể xã hội.

              Chúng tôi liệt kê dưới đây các chứng bịnh theo thứ tự 1, 2, 3… tùy theo tính cách độc hại của nó đối với xã hội, nói đúng hơn là đối với sự hưng thịnh của dân tộc Việt.


                  1/ Bịnh tham quyền
             Căn bịnh này được chúng tôi xếp ở đầu bảng vì tính chất nghiêm trọng. Trạng thái bịnh thường xuất hiện nơi những người có trách nhiệm cao như đứng đầu một tổ chức, cộng đồng, đoàn thể, quốc gia… do trong những tập thể lớn như thế, một khi những người có trách nhiệm mang bịnh thì tất nhiên phải ảnh hưởng đến tổ chức, đến xã hội. Một tổ chức mà có bịnh kinh niên, không thuốc chữa thì không thể hoạt động được, đừng nói chi đến phát triển, tiến bộ hay làm đầu tàu cho cộng đồng, xã hội.

              Một người anh nắm quyền lãnh đạo kiêm thủ trưởng, sau đó người em lên thay, ngoài hai chức vụ trên, người em còn chỉ huy luôn bộ phận kinh tế tài chính cộng đồng. Dù chưa xuống lỗ, nhưng gia đình này tính kỹ hơn đồng hương, bằng cách đưa thằng cháu lên làm đệ nhất chủ tịch. Trong lý thuyết đến ngôn từ hàng ngày, người ta luôn được nghe những từ ngữ đao to búa bự như canh cải, cầu tiến, tự do, thế nhưng chưa làm được gì thì gia đình này cai quản hết. Đô la có bao nhiêu cũng không cho ai biết vì còn đang hoạt động, khi nào tổ chức đạt thắng lợi sau cùng mới chịu công khai cho đồng bào biết.
 
             Tại sao có học vị Phó Thạc Sĩ kiêm Đại Giáo Sư kiêm Tổng Tiến Sĩ “chính trị học” mà gia trưởng của dòng họ này lại làm như vậy? Họ không sợ tai tiếng trong cộng đồng sao? Hay họ tự quyền nên không “ngán” ai? Học mà như không học. Chỉ vì lòng tham mà ra. Có trí thức nhưng không sướng bằng khi có Mỹ Kim (hàng chục triệu hay hàng trăm triệu đô ?) cất giấu trong ngân hàng, vì giấu đút nên không ai biết chính xác là bao nhiêu, do vậy đó là là nguyên nhân gây đồn đoán, hoang mang trong công luận. Người ta cứ chai mặt để làm giàu, mà muốn giàu thì phải có quyền. Chắc hơn hết thì phải cài đặt người trong gia đình vào tổ chức và nắm hết các chức vụ cầm đầu từ tổ chức nhân sự, đến tuyên huấn, kinh tài, công an, quân đội.

             Họ chỉ có bằng cấp, học vị chứ không có cách hành xử của người trí thức, tức là biết mình, biết người, biết ta, biết đồng bào, có tình yêu thương đất Việt.

            Tham quyền và tham tiền như thế là hành động coi rẻ cộng đồng.

            Người trong tổ chức biết được chuyện mà không dám nói là vì đã sợ hãi quyền lực. Hay vì miếng cơm do nhóm cầm quyền ban phát cho nên phải cúi đầu tuân lịnh (đây có phải là một hình thức nô lệ??? giá áo túi cơm). Thấy được sự thật nhưng không dám nói là thái độ khiếp nhược, coi trọng cái bao tử hơn lý trí, coi trọng nồi cơm gia đình hơn danh dự tổ chức, quốc gia, coi trọng cá nhân lãnh đạo hơn danh dự tập thể. Hành động này chỉ tiếp tay, tiếp sức nuôi dưỡng cái tham vọng của nhóm người tham quyền. 

            Căn bịnh tham quyền đã nằm trong máu của một số người Việt, tất nhiên không ít, vì nó có thể đã lây lan đến nhiều thành phần trong xã hội chúng ta. Bịnh kinh niên này không phải có gần đây, hay chỉ đóng khung trong phạm vi tổ chức, trái lại nó thường xuyên xuất hiện ở phạm vi quốc gia, ở thượng tầng quyền lực.

             Tính từ thời điểm 1945 trở về trước, với chiều dài thời gian mấy ngàn năm khi Việt Nam sống dưới thời phong kiến, quân chủ tập quyền, vào thời kỳ mà vua được coi như thiên tử (con trời) và người dân chỉ biết cúi đầu tùng phục ngoan ngoãn. Mọi việc hệ trọng của quốc gia chỉ được quyết định bởi một cá nhân hay dòng họ hoặc của một triều đình (nhóm người).

             Trong chế độ quân chủ tập quyền, vua là trên hết; hoàng gia có nhiều bổng lộc của xã hội dành cho; quan lại, triều thần là lớp người có quyền hưởng thụ cao hơn rất nhiều so với đại đa số dân chúng.

             Suốt mấy ngàn năm, đất nước Việt Nam sống trong một xã hội lạc hậu như thế nên người dân Việt đã thấm nhuần thói quen chịu đựng và ít phản kháng đối với hệ thống cai trị. Mà nếu có một thiểu số người phản kháng thì dễ dàng bị khép tội khi quân.

            Rất ít người dám đặt câu hỏi: Tại sao ông cứ làm vua hoài, ngồi trên ngai suốt đời, hết đời ông lại đến đời con, đời cháu, rồi cả dòng họ nội ngoại của ông. 

            Luật pháp phong kiến không cho phép người dân có quyền đặt câu hỏi đó. Nó như thể là sự sắp xếp của tạo hóa, một quyền lực tuyệt đối được tiền định bởi thiên nhiên, thượng đế, vì vua phải làm như thế, không thể làm khác hơn. Ai chất vất, ai muốn thay đổi, ai tranh giành là mang tội chống báng, phản loạn, phải bị tù giam 20 năm, chung thân, hay bị chém bay đầu.

             Ghê thế đó!

             Rùng rợn thế đấy!

             Bây giờ có khác gì đâu.

             Hai ngàn năm trước đến nay vẫn vậy. Chỉ thay đổi danh xưng, thay đổi hình thức, còn bản chất vẫn vậy. Xưa thì gọi hoàng đế, vua, nay thì có đệ nhất bí thơ, tổng chủ tịch. Xưa thì có triều thần nay thì có đại ban chấp hành..v..v…Có thay đổi bình nhưng rượu vẫn vậy. Rượu cay nồng, một loại chất men độc hại làm tiêu mòn, phá hoại sức sống dân tộc chúng ta, kiềm hãm sự phát triển của toàn dân tộc.

            Không ít người Việt thường nói Việt Nam ta có hơn 4.000 năm văn hiến, có văn minh, văn hóa.

            Nhưng quyền lực chính trị Việt Nam, một cơ cấu thượng tầng trong xã hội, có như vậy hay không?

            Người Việt chúng ta không văn minh. Vì người đứng đầu tổ chức…vẫn có cách hành xử như vua chúa, ôm đồm, tham lam, thâu tóm tất cả. Sở dĩ phải nói người Việt chúng ta không văn minh là vì hầu như cả xã hội im lặng trước đại vấn nạn, đại tệ nạn đó. Im lặng là đồng thuận hay đồng lõa??? Một thiểu số có lý trí, có đạo đức, có lòng can đảm dấn thân, biết phân biệt đúng sai, thiện ác. Thế nhưng đó chỉ là thiểu số. Liệu rằng thiểu số có làm nên tương lai tương sáng cho dân tộc??? Chỉ có dân tộc chúng ta là người đưa ra câu trả lời. Không ai làm thay cho chúng ta. Không ai thay đổi vận mệnh Việt Nam bằng người Việt chúng ta.

            Căn bịnh này hầu như không thể cứu chữa được rồi, trừ khi người Việt can đảm, có lòng tự trọng, biết xấu hổ trước sự yếu kém, nghèo khó của đất nước và dân tộc mình, biết cái ác là xấu, và biết sống văn minh với đồng hương, đồng bào mình.
           
          2/ Bịnh bất lương của những người ở vị trí thượng tầng quyền lực

          Bất lương là không lương thiện, là gian dối với đồng hương, đồng bào, là ăn cắp của công, ăn giựt tiền của đồng hương, là tham nhũng, là dùng thủ đoạn sát hại chiến hữu mình, giết hại đồng bào mình. Những người làm chính trị bất lương là loại người tìm cách đạt đến mục đích bằng bất cứ phương tiện, thường là vô đạo đức.

            Một người bình thường khi sống bất lương sẽ bị hàng xóm coi thường, bị xã hội chê bai, bị pháp luật trừng trị. Một người dân sống bất lương là một người dân thiếu nhân cách.

            Tuy nhiên những kẻ ở vị trí cao trong lĩnh vực chính trị như cầm đầu tổ chức “đấu tranh”, đứng đầu nhà nước, chính quyền có thể không bị pháp luật trừng trị do vì pháp luật được ban hành chỉ để bảo vệ kẻ cầm quyền hay họ dùng quyền thế để chạy tội, dùng tiền ăn cướp được để làm lá chắn che thân, để che lấp cái thói tính bất lương của họ.

            Đây không những là tệ trạng bất công trong cộng đồng, xã hội Việt Nam nhưng nó còn chứa đựng mầm mống nguy hiểm. Bởi vì, một khi kẻ có quyền, có vị trí cao trong tổ chức chính trị mà hành động bất lương và thoát lưới pháp luật thì họ sẽ tiếp tục gây tổn hại, tiếp tục ăn cướp, tiếp tục giết người. Tất nhiên sự tác hại ở phạm vi rộng lớn hơn vì được quyền lực và sức mạnh đồng tiền hỗ trợ.

            Một điều xấu hổ cho nền văn hóa Việt chúng ta là kẻ leo lên được vị trí thượng tầng trong lĩnh vực chính trị lại không sống lương thiện, không bị pháp luật trừng trị, trái lại họ lại nhân danh nền đạo đức, nhân danh nền văn minh “mới”, nhân danh sự tiến bộ của một “xã hội mới”, nhân danh sự “canh cải” để dạy bảo đồng hương, để trừng trị những người dân lương thiện, để cầm đầu “cách mạng”, để lãnh đạo quốc gia!!!

            Một cộng đồng, một xã hội có những người đứng đầu như thế tất nhiên không thể phát triển, nếu không muốn nói nó còn sản sinh ra những thành phần bất lương khác vì họ thấy bất lương là một cách sống, một cách làm giàu “chính đáng” do vì phần lớn xã hội, phần lớn cộng đồng im lặng không muốn đụng chạm tới họ vì sẽ hại thân.  

            Không phải tất cả người hoạt động chính trị đều xấu, tuy nhiên hiện nay chưa thấy người có đạo đức xuất hiện, một là họ đã bị giam chung thân trong ngục tối, hai là họ đã bị thanh trừng, ba là họ đang ẩn mặt vì không muốn sống chung với bọn cờ gian bạc lận lấy môi trường chính trị làm nơi mua quan bán tước, vinh thân phì gia.

            Người Việt chúng ta hãy quan sát sự phát triển kinh tế và chính trị dân chủ, bình đẳng giữa các đảng phái của đất nước Thái Lan và Nam Hàn, hai trong số các nước ở trong khu vực với Việt Nam thì chúng ta phải hiểu được căn bịnh bất lương đã tàn phá sức sống của quốc gia, dân tộc chúng ta như thế nào.
         
           3/ Bịnh giả danh cách mạng

          Cách mạng theo nguyên nghĩa là thay đổi mệnh vua (vua do mệnh trời giao phó). Sau này, cách mạng có nghĩa là thay chế độ cũ xấu, ác, lạc hậu bằng một chế độ mới tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, và có dân chủ, nhân quyền, tự do, văn minh, giàu mạnh.

           Với ý nghĩa như thế, xét duyệt tình hình chính trị Việt Nam trong một thế kỷ nay, người Việt chúng ta chưa có một cuộc cách mạng thật sự để dân ta có cuộc sống ấm no, phú cường và tự do.

           Có tổ chức xưng là cách mạng “canh cải” nhưng lại bảo thủ, không chịu đi theo cái tốt đẹp, không chịu hướng thiện, không chuộng cái mới, không cầu tiến. Người cầm đầu thì ngoan cố không chịu nghe ý kiến cộng đồng. Cộng đồng phê bình thì để ngoài tai, có khi lại mang tâm địa tiểu nhân, thù ghét cá nhân nên cho đàn em chơi xấu như chọi đá cho bể kiếng xe, bể kiếng nhà, hay xúm lại đánh hội đồng trên diễn đàn liên mạng hoặc chửi tục một cách thất học, hoặc đưa ra lời đe dọa. Đảng chính trị mà có đàn em, đàn anh, tay sai nha trảo? Cách làm này rõ ràng là của phường lưu manh, thế nhưng nó vẫn thịnh hành trong một tổ chức chính trị xưng là cách mạng. Đảng chủ trương “canh cải” mà lại đi lường gạt tiền đồng bào. Đồng bào cũng phải đi làm thuê, làm mướn hay làm công cho người nước ngoài mới có tiền chứ đâu có ăn cướp của ai mà được tiền.

            Thế mới thấy hành động của thành phần giả danh cách mạng để lường gạt đồng hương. Họ coi cách mạng như một kiểu thời trang, thấy những người nhờ làm cách mạng mà giàu có nên cũng bắt chước làm theo. Họ đã làm sai ý nghĩa cách mạng, biến môi trường cách mạng thành một sòng bài ăn thua tiền bạc hay một thị trường đầu tư kiếm lời. Không có lòng nhân và lòng ái quốc của bọn con buôn cách mạng

           Có chính đảng cũng tự xưng là cách mạng nhưng khi lật đổ chế độ cũ rồi thì họ cũng không có gì mới, lại còn tệ hại hơn, tham nhũng nhiều hơn, bất công nhiều hơn, chỉ lo cho quyền lợi phe đảng, dân cũng nghèo hơn. Thêm nữa, đảng cách mạng nhưng chỉ vay mượn chủ thuyết của ngoại bang chứ mình không lập thuyết được, đến độ vay mượn cả từ ngữ được dịch từ các văn bản nước ngoài. Đây là thói tính dựa vào người, đi xa hơn là trở thành nô lệ, của một số người Việt Nam. Điều này chỉ ra cho thấy rằng người Việt chúng ta không có lối làm việc độc lập, tự tin ở chính mình, trái lại mượn áo người khác mặc vào để làm oai với đồng bào trong nước. Đây cũng chính là giả danh cách mạng.   

           Một người dân quê mù chữ nhưng luôn cố gắng lao động trên đồng ruộng để kiếm miếng ăn cho bản thân và nuôi sống gia đình họ. Đây là thái độ tự trọng đáng khen ngợi của một người dân nghèo, không lấy cắp của ai, không luồn cúi đi xin xỏ, vay mượn của người khác. Họ đứng vững trên đôi chân của mình.

           Thế mà các bậc đại tiến sĩ, tổng giáo sư, phó thạc sĩ hay các nhà cách mạng “canh cải”, các thượng giáo sư trong đại hội đồng lý luận lại không có lòng tự trọng thì làm sao lãnh đạo được nhân dân, làm sao đưa quốc gia đi lên và phát triển giàu mạnh.

           Chứng bịnh giả danh cách mạng cho chúng ta thấy người Việt mình thiếu tự trọng, không tự chủ, nghèo nàn về tri thức nên mới đi học đòi, và mang bịnh lệ thuộc tư tưởng người, u mê đến nổi cho cái của ngoại bang đó là “bách chiến bách thắng”. Nếu chúng ta có vốn liếng tinh thần vững vàng, có tài sản tri thức thì đâu cần phải vay mượn chủ thuyết. Trong kho tàng văn hóa dân tộc chúng ta có bao điều hay và văn minh, sao chúng ta không tìm kiếm học hỏi? Căn bịnh này còn bộc lộ tư tưởng vọng ngoại, mất tự tin, và hầu như cũng khó chữa trị.

          Một đất nước, một cộng đồng bị một số thành phần chỉ biết đi vay mượn ngoại bang và không có sự tự trọng thì cộng đồng đó, đất nước đó chắc chắn luôn luôn thua kém lân bang và dĩ nhiên không có tương lai.   

         4/ Bịnh …  (Còn tiếp)




Phạm Hoàng Tùng.
              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét